Vẩu xương hàm dưới cần được phân biệt với trường hợp khác

Vẩu xương hàm dưới cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp khác như: thiếu phối hợp ở xương hàm dưới (hàm dưới đưa ra trước), lùi xương hàm trên, lùi xương ổ răng trên, hàm trên thiếu chiều dài (thường gặp trong trường hợp khe hở môi vòm miệng), vẩu xương ổ răng dưới, cằm lùi. Vẩu xương hàm dưới là bệnh lý hay gặp trong nhóm bệnh lệch lạc răng - hàm. Nó là một rối loạn về cấu trúc, được đặc trưng với xương hàm dưới đưa ra trước, cung răng dưới bị di về phía gần so với hàm trên ở tư thế chạm múi tối đa.



Để chẩn đoán vẩu xương hàm dưới cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và phim X-quang sọ mặt chụp theo kỹ thuật từ xa. Thường có các triệu chứng sau:

- Tầng mặt dưới tăng kích thước theo mặt phẳng dọc giữa, môi dưới và cằm lồi nên có ấn tượng xương hàm trên bị xóa, nhất là khi nhìn nghiêng.

- Cung răng trên thường hẹp hơn cung răng dưới. Khớp cắn bị rối loạn, răng cửa ở tư thế đầu chạm đầu hoặc ngược. Răng nanh dưới ăn khớp với răng cửa bên hàm trên.

- Môi trên thường bị lùi sau so với môi dưới làm khối tiền hàm kém phát triển. Môi dưới hoạt động quá mức làm răng cửa dưới bị nghiêng vào trong.

- Cơ thái dương và cơ cắn hoạt động quá mức ảnh hưởng đến chỗ bám hoặc góc hàm. Có thể gặp thở miệng phối hợp với rối loạn tăng trưởng xương hàm dưới.



Nguyên nhân cơ bản của chứng vẩu xương hàm dưới:

- Di truyền: là nguồn gốc của vẩu xương hàm dưới di truyền theo kiểu trội. Tăng các hormon có thể làm xương hàm dưới phát triển quá mức ở trẻ em (bệnh khổng lồ) và người lớn (bệnh to cực).

- Yếu tố nguy cơ môi trường: người có sọ ngắn tạo thuận lợi cho hàm dưới đưa ra trước. Hàm trên ngắn làm lưỡi bị đẩy xuống thấp gây vẩu xương hàm dưới. Thiếu răng cửa vĩnh viễn trên hoặc nhổ sớm răng sữa trên làm khối tiền hàm xương hàm trên kém phát triển, tạo thuận lợi cho xương hàm dưới trượt ra trước.

- Hình thái miệng hầu: môi, lưỡi, vùng vòm hầu và amidan có thể làm thay đổi quan hệ hàm trên và dưới hoặc kìm hãm sự phát triển xương hàm trên hoặc đẩy hàm dưới vượt ra trước.

Điều trị có thể bằng cách chỉnh hàm (chỉnh xương), chỉnh răng hoặc phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là sửa chữa sự lệch lạc giữa cung răng trên và cung răng dưới ở tư thế khớp cắn chạm múi tối đa, lập lại sự hài hòa giữa 2 xương hàm. Cụ thể:

- Chỉnh xương: Mục đích là kết hợp hoạt động các cơ nhai, chú ý đến các hoạt động kéo lùi; sửa chữa thăng bằng lưỡi-môi-má để tăng lực làm rộng xương hàm trên ở phía vòm miệng, kìm hãm sự tăng trưởng của xương hàm dưới, thành lập một nút chặn khớp ngăn sự trượt ra trước của xương hàm dưới. Các khí cụ chỉnh xương này có rất nhiều loại như: hàm chức năng, khí cụ chỉnh xương cơ học.

- Chỉnh răng: được chỉ định cho các hàm răng vĩnh viễn hoặc cuối giai đoạn răng hỗn hợp, kết hợp chặt chẽ với chỉnh xương cơ học hoặc phẫu thuật.



- Phẫu thuật: Thường chỉ định trong các trường hợp vẩu xương hàm dưới nguyên thể do di truyền. Khi phẫu thuật có thể ở một hoặc nhiều vị trí sau: cành lên xương hàm dưới, góc hàm, thân xương hàm dưới. Ngoài ra có thể phẫu thuật bổ sung đưa xương hàm trên ra trước, phẫu thuật lưỡi.

Cuối cùng, tùy theo phương pháp điều trị, phải duy trì kết quả cho đến khi kết thúc sự tăng trưởng xương hàm dưới. Tất cả các yếu tố răng, cơ, xương đều tham gia vào quá trì ổn định lập lại sự hài hòa của hàm dưới với mặt.

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.